Không ai muốn vào tù hoặc dây dưa với pháp luật nhưng thực tế đã có những “hình nhân thế mạng” sẵn sàng nhận tội thay cho thủ phạm. Chừng khi bị khởi tố hay bị tuyên án nặng mới tá hỏa la làng: “Hổng phải tôi!”. Thêm một trường hợp được Công an TP Hà Nội phát hiện gần đây cho thấy việc nhận tội thay không hề là cá biệt.
Gây tai nạn vì tay lái kém
Tối 17-7-2008, chiếc ôtô chở đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây (cũ) đi trên đường Láng Hòa Lạc về Hà Nội. Không may, ôtô đã tông chết hai người đi xe máy.
Đầu tháng 8, Công an huyện Quốc Oai đã ra quyết định khởi tố tài xế T. về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS. Sai phạm gây tai nạn thì bị xử lý, điều đó không có gì phải bàn. Thế nhưng bất ngờ, giữa tháng 8, Công an huyện Quốc Oai đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố nêu trên vì xác định anh T. không có hành vi phạm tội. Thì ra sợ phải đối mặt với lao lý, tài xế T. đã khai ra: “Chính giám đốc sở mới lái xe đâm chết người!”.
Theo ghi nhận ban đầu, vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông Nguyễn Văn Thưởng - giám đốc sở trên đã giành vô-lăng của tài xế T. để trực tiếp lái xe. Ông này mới được cấp giấy phép lái xe khoảng 10 ngày và muốn có dịp cọ xát thực tế. Khi chạy đến đoạn đường trên, ông đã tông vào xe máy của người đi phía trước khiến người cha chết ngay tại chỗ, đứa con chết sau đó một tháng.
Sau khi gây tai nạn, ông Thưởng hoảng hồn dừng xe lại, trả vô-lăng cho tài xế và không ngó ngàng gì đến hai nạn nhân. Chiếc xe tiếp tục tiến về Hà Đông. Trên xe còn có bốn người cùng đi chứng kiến sự việc nhưng vì được sếp động viên nên nhất trí khai với cơ quan điều tra: “Tài xế T. đã đâm chết người”. Cả anh T. cũng không có lời khai nào khác hơn.
Giữa tháng 10, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can Thưởng cũng về tội danh mà trước đó Công an huyện Quốc Oai đã khởi tố tài xế T.
Có thể phạm thêm tội khác
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng ngoài tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS, bị can Thưởng còn có thể phạm thêm tội mua chuộc người khác khai báo gian dối theo Điều 309 BLHS. Riêng tài xế T. và bốn người ngồi trên xe có thể phải chịu trách nhiệm về tội khai báo gian dối theo Điều 307 BLHS.
Luật sư Cổ Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Khi ngồi trên xe chứng kiến vụ việc, tài xế T. và bốn người khác đóng vai trò là người làm chứng. Tuy nhiên, họ đã khai báo sai sự thật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Theo khoản 4b Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự, “người làm chứng khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 BLHS”.
Đối với việc đã bỏ chạy sau khi đâm vào xe của nạn nhân, có ý kiến cho rằng những người ngồi trên ôtô đã có hành vi phạm tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 BLHS.
Cũng theo luật sư Cổ Hiệp, nếu có chứng cứ chứng minh những người này thấy người bị hại sắp chết nhưng vẫn cố tình làm ngơ mặc dù có điều kiện, các cơ quan pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm của họ về tội danh trên. Ngược lại, các cơ quan pháp luật chỉ có thể xác định việc bỏ chạy là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can Thưởng theo khoản 2c Điều 202 BLHS ở chỗ “gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không giúp người bị nạn”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc kết quả xử lý vụ việc này.